“Sốc” nặng vì giám đốc là người bán hàng căng tin

Đã một tuần qua kể từ ngày người đại diện pháp luật của Công ty TNHH sản xuất, thương mại Tuấn Vinh (đóng tại số 12, đường HT25 khu phố 2, phường Hiệp Thành, quận 12) bất ngờ “xuất hiện”, người lao động vẫn chưa hết hoang mang.

Tối muộn, anh Nguyễn Văn Trắng sốt ruột nhìn vào trong công ty xem có người bên trong cố tình thu xếp tẩu tán tài sản hay không

Hóa ra, bấy lâu nay, vị “giám đốc” của họ chỉ là người bán nước ở căng tin – tên Lê Văn Tuấn. Còn người thường xuyên đến để chỉ đạo công việc, trao đổi với công nhân là ông Quản Văn Phước thì giờ đây không phải là “ông chủ” chính thức về mặt pháp luật.

Một số công nhân cho biết:

"- Sốc lắm. Bữa cho công nhân tuội tôi nghỉ, nói ra thì mới hết hồn luôn, ai ngờ ông bán nước đó là giám đốc đâu. Thêm bà bán cơm nữa, rồi làm giấy ủy quyền rồi hứa hẹn làm sao mà công nhân chịu".

"- Công ty trước tới giờ ông chủ cứ đến xưởng rồi xuống tận các chuyền, có khi quát tháo, chửi mắng công nhân thì mình cứ nghĩ là của ông chủ thôi. Chứ có ai ngờ đùng một cái người bán nước lại làm giám đốc. Mình cứ chăm chỉ làm việc thôi, ai chứ đâu có ngờ là ông chủ lại lừa gạt mình, bỏ trốn luôn rồi".

"- Ông Tuấn bán hàng ở căng tin đó mọi người hay gọi là ông Tí bán nước thôi, chứ có biết ông làm giám đốc đâu, tới chừng giải thể công ty rồi, chúng tôi vô nói ông ấy mới nói tôi là giám đốc công ty Tấn Vinh mà ai cũng ngơ ngác".

Trước đó, Công ty TNHH sản xuất, thương mại Tuấn Vinh nợ lương gần 1,3 tỷ đồng, gồm một phần lương tháng 12/2023, lương tháng 1, 2 và 20 ngày công của tháng 3/2024. Công ty còn nợ BHXH từ tháng 12/2019 đến nay.

Chiều ngày 20/3, công ty bỗng nhiên mất điện và cho công nhân nghỉ, hẹn 25/3 đi làm lại. Tuy nhiên, mới đến ngày 23/3, công ty ủy quyền anh T.X.H, một quản lý văn phòng, đứng ra hẹn ngày trả lương. Bản thân anh H. cũng đang bị công ty nợ hơn 100 triệu đồng tiền lương.

Một số công nhân thay phiên nhau sau giờ tan ca tập trung tại cổng công ty

Sau khi làm xong cam kết với công nhân thì một ngày sau, công ty lại rút ủy quyền. Và người xuất hiện thừa nhận là giám đốc công ty trực tiếp gặp công nhân không ai khác chính là người bán hàng ở căng tin.

“Giám đốc” này cho biết, công ty khó khăn về tài chính nên hẹn trả tiền nợ lương công nhân, người lao động vào ngày 10/4, khi có đối tác sang xưởng. Tuy nhiên, lời hứa của vị “giám đốc” bán nước, khiến công nhân bức xúc, hoang mang và mất lòng tin.

Trắng đêm canh cổng, sợ chủ “tẩu tán” tài sản

Anh Nguyễn Văn Trắng, 35 tuổi cho biết, vợ chồng anh đều là công nhân. Đợt này, vợ có bầu, sức khỏe không tốt nên phải tạm nghỉ để dưỡng thai. Vì vậy, mọi chi phí sinh hoạt chắt chiu dè xẻn thường ngày đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân may hàng tháng của anh.

Cuộc sống khó khăn, nhưng hai tháng qua, công ty không trả lương nên anh phải vay mượn để ăn uống, chi tiêu và cho con trai ăn học. Anh chỉ dám ăn cơm nguội, dưa cà, tiết kiệm hết mức có thể.

Anh Trắng cho biết, dù đã tìm được việc làm mới, nhưng mấy ngày qua, anh vẫn sắp xếp công việc cùng với các công nhân khác đợi trước cổng công ty vì lo sợ ông chủ cho người mang máy móc, thiết bị công ty đi bán, không có tài sản để chi trả cho công nhân.

“Từ hổm đó tới giờ công nhân tụi em cư phải canh hoài, rất cực khổ hơn cả đi làm ca nữa. Có người đau bụng cũng ráng ở lại canh, sợ về rồi họ dọn tài sản đi mất. Mình đây cứ thay phiên nhau trực, lâu lâu mình vô đây canh, chứ mình không canh lỡ ban đêm máy móc họ vô lôi ra, mang hết tài sản công ty đi rồi có gì mà trả nợ cho mình”, anh Trang nói.

Còn chị Lê Thị Dứt cho biết, chị cùng một số người đã xin được việc ngay cạnh công ty Tuấn Vinh. Sau giờ tan ca, những người này thường xuyên chực chờ trước cổng để thăm dò. Chị cho biết, là công nhân chỉ biết làm việc chăm chỉ, ông chủ kêu khó khăn thì thông cảm và chia sẻ chứ không biết đến việc tên công ty cùng giám đốc thay đổi trên giấy tờ nhằm mục đích gì.

Công ty Tuấn Vinh còn có một cổng phụ, công nhân lo sợ tài sản bị tuồn ra ngoài

“Cũng mong và nhờ chính quyền bên phường, rồi cơ quan chức năng giúp giải quyết như thế nào sớm giúp công nhân chứ còn ông giám đốc hứa chắc không không có hy vọng chút nào luôn vì thấy mong manh quá. Ông chủ là Quản Văn Phước ôm tiền đi mất tiêu rồi, còn ông đứng tên elàm giám đốc thì đâu có tài sản gì đâu, cũng chỉ có trên răng dưới dép, lấy gì mà trả tiền cho chúng tôi, người có tiền thì ôm bỏ đi rồi”, chị Dứt nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, nhà máy này do Công ty TNHH may Hà Nam An 3 quản lý (người đại diện pháp luật là ông Quản Văn Phước). Đến năm 2022, ông Phước đổi tên công ty là DV Fashion và bắt đầu nợ lương người lao động vì lý do dịch Covid-19 nên khó khăn. Công ty vẫn thu tiền nhưng không đóng bảo hiểm cho người lao động. Lúc này, người làm giám đốc là ông H.T.X., bảo vệ của công ty.

Tháng 11/2023, Công ty TNHH Sản xuất thương mại may Tuấn Vinh được thành lập mới do ông Lê Văn Tuấn đứng tên Giám đốc. Lúc này, toàn bộ người lao động từ Công ty DV Fashion vẫn tiếp tục làm cho Công ty Tuấn Vinh mà không được ký kết lại hợp đồng lao động, do đó cũng không được đóng BHXH.

Các công nhân đều xác nhận, dù công ty đổi tên và thay giám đốc nhưng chủ đứng sau điều hành mọi công việc vẫn là ông Quản Văn Phước.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Xem, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội quận 12 cho biết, những ngày tới, nếu công ty vẫn không trả lương cho người lao động theo đúng cam kết, đơn vị sẽ hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục giải quyết tranh chấp về lương, BHXH. Đây sẽ là cơ sở cho việc khởi kiện ra tòa để giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người lao động.